Điểm nổi bật của Wikimedia, tháng 1 năm 2012
Những điểm nổi bật từ Bản báo cáo Wikimedia Foundation và phản hồi kỹ thuật Wikimedia vào tháng 1 năm 2012, bao gồm các sự kiện quan trọng khác của phong trào Wikimedia
Những điểm nổi bật của Wikimedia Foundation
Quỹ ủng hộ sự kiện lịch sử phủ đen Wikipedia để phản đối SOPA
Ngày 18 tháng 1, cộng đồng Wikipedia tiếng Anh đã làm nên lịch sử với quyết định phủ đen (hay tắt đèn) toàn bộ dự án trong 24 tiếng để biểu tình phản đối hai dự luật Hoa Kỳ — SOPA và PIPA — mà nếu được thông qua sẽ gây tổn hại nghiêm trọng đến internet tự do và mở, bao gồm Wikipedia. Cộng đồng của hơn 30 dự án Wikimedia khác cũng tham gia phản đối. Nhiều nhân viên của Quỹ ra sức hỗ trợ, xử lý các vấn đề trong thời gian tắt đèn theo yêu cầu của cộng đồng, phát triển mã và thiết kế, tạo điều kiện thuận lợi cho các cuộc thảo luận, góp phần phân tích các yếu tố pháp lý và trả lời một lượng câu hỏi nhiều chưa từng thấy từ cánh báo chí.
Suốt thời gian tắt đèn, hơn 8 triệu độc giả ở Mỹ đã dùng công cụ CongressLookup để gửi thư đến người đại diện chính trị của họ. Một bài blog được đăng bởi Sue Gardner đã nhận hơn 13.000 lời bình, với số lượng áp đảo người ủng hộ việc tắt đèn. Google News liệt kê hơn 13.000 bài báo truyền thông về việc Wikipedia tắt đèn và các động thái phản đối khác của cộng đồng internet vào ngày 18 tháng 1, và #wikipediablackout được tweet gần 1 triệu lần. Số người ủng hộ SOPA và PIPA ngày càng nhỏ dần. Các quan sát viên hy vọng rằng hai dự luật này sẽ không được thông qua.
Hackathon ở San Francisco
92 người đã tham dự kỳ hackathon được tổ chức tại San Francisco lần đầu tiên, nhiều người trong số họ chỉ mới biết đến dự án. Họ tham gia các buổi thuyết giảng về công nghệ Wikimedia, tiếp đến là làm việc theo nhóm để trình bày bài giới thiệu về các dự án và được một ban giám khảo đánh giá. Giải thưởng đầu tiên là "SMSpedia", cho phép người dùng nhắn tên bài viết qua điện thoại di động, sau đó họ được dịch vụ gọi trở lại và nghe người khác đọc bài viết Wikipedia đó.
Thông báo về tính năng điện thoại di động: Chính thức hỗ trợ ứng dụng Android, và thiết lập quan hệ đối tác với Orange để tự do truy cập Wikipedia ở châu Phi/Trung Đông
Trong lần đầu tiên trở thành đối tác của nhau này, nhà điều hành điện thoại di động Orange và Wikimedia Foundation sẽ hỗ trợ 70 triệu khách hàng Orange sống tại 20 quốc gia ở châu Phi và Trung Đông (AMEA) truy cập Wikipedia miễn phí qua điện thoại di động. Cũng vào tháng 1, ứng dụng Android chính thức dành cho Wikipedia đã ra mắt. Có hơn nửa triệu lượt cài đặt ứng dụng này chỉ trong hai tuần đầu tiên.
Dữ liệu và xu hướng
Lượng khách truy cập toàn cầu vào tháng 12:
- 457 triệu (-3,7% so với tháng 11; +15,6% so với cùng kỳ năm ngoái)
- (Dữ liệu comScore cho tất cả các dự án Wikimedia Foundation; comScore sẽ công bố dữ liệu tháng 1 vào tháng 2)
Các yêu cầu truy cập trang vào tháng 1:
- 18,0 tỷ (+10,4% so với tháng 12; +16,4% so với cùng kỳ năm ngoái)
- (Dữ liệu nhật trình máy chủ, cho tất cả các dự án Wikimedia Foundation bao gồm truy cập qua điện thoại di động)
Biên tập viên đã đăng ký đang hoạt động vào tháng 12 năm 2011 (>= 5 sửa đổi/tháng):
- 83.293 (+0,1% so với tháng 11; +1,6% so với cùng kỳ năm ngoái)
(Dữ liệu từ cơ sở dữ liệu, cho tất cả các dự án Wikimedia Foundation ngoại trừ Wikimedia Commons)
Thẻ bảo cáo vào tháng 12 năm 2011: http://stats.wikimedia.org/reportcard/RC_2011_12_detailed.html
- Thẻ báo cáo hiện đang được thiết kế lại thành một bảng điều khiển nhiều tính năng hơn (tích hợp dữ liệu thống kê và xu hướng từ các dự án Wikimedia Foundation).
Tài chính
(Thông tin tài chính chỉ mới công bố dành cho tháng 12 năm 2011 tại thời điểm viết bản báo cáo này.)
Tất cả các bản kê khai dưới đây trình bày trong khoảng thời gian từ ngày 1 tháng 7, 2011 - 31 tháng 12, 2011
Doanh thu: 25,6 triệu USD
Khoản chi:
- Phòng Kỹ thuật: 4.801.082$
- Phòng Cộng đồng/Gây quỹ: 2.501.444$
- Phòng Phát triển Toàn cầu: 2.154.912$
- Phòng Điều hành: 464.533$
- Phòng Tài chính/Pháp lý/Nhân sự/Quản trị: 2.916.686$
Tổng khoản chi: 12.838.657$
Tổng thặng dư/(thâm hụt): 12.784.247$
Doanh thu trước kế hoạch được tài trợ 2,8 triệu USD và quyên góp bổ sung trước kế hoạch là 2 triệu USD.
Các khoản chi cho tháng này là 2,9 triệu USD so với kế hoạch là 2,6 triệu USD, cao hơn khoảng 11% so với dự kiến. Khoản chi từ đầu năm đến nay là 12,8 triệu USD so với kế hoạch là 14,2 triệu USD, thấp hơn khoảng 10% so với dự kiến.
Khoản tiền chưa phân bổ từ đầu năm đến nay chi vào các khoản mục thuộc chi phí vốn (989.000$ - ngân sách trải đều trong 12 tháng), máy chủ internet (64.000$), phát triển tình nguyện viên (142.000$), chi phí đi lại và tổ chức hội nghị (233.000$), chi phí nhân sự (584.000$), chi phí tuyển dụng (124.000$), và các thiết bị công nghệ thông tin (77.000$) được bù khuyết bằng các giải thưởng cao hơn và từ nhà tài trợ (261.000$ - ngân sách trải đều trong 12 tháng), phí pháp lý và kế toán (81.000$), dịch vụ chuyên ngành (293.000$), và phí ngân hàng (248.000$).
Hiện có 30,6 triệu USD bằng tiền mặt, dự trữ đến mười ba tháng sau dựa trên mức độ chi tiêu hiện hành và đến mười bốn tháng sau theo kế hoạch thường niên.
Phong trào nổi bật khác
RecentChangesCamp2012
RecentChangesCamp2012, hội nghị không chính thức OpenSpace tập trung vào các wiki và các hoạt động hợp tác trực tuyến tổ chức lần đầu tiên vào năm 2006, đã tổ chức tại Đại học Canberra từ ngày 20 đến 22 tháng 1. Nhiều người tham dự là các thành viên Wikimedia ở Úc và một số quốc gia khác.
Bảo tàng cổ xưa nhất ở Hà Lan phát động một cuộc thi sửa đổi
Wikimedia Hà Lan và Bảo tàng Teylers (viện bảo tàng cổ xưa nhất Hà Lan) vừa phát động "Cuộc thi Teylers", kêu gọi người tham gia biên tập nội dung các bài viết Wikipedia trong nhiều ngôn ngữ liên quan đến bảo tàng này và các tài nguyên đang được lưu giữ trong đó.
Chuyến đi đến Zagreb để quan sát tương lai của chi hội tại Croatia
Từ ngày 20 đến 22 tháng 1, Ting Chen — Chủ tịch Hội đồng Quản trị Wikimedia Foundation — và hai thành viên Ủy ban Chi hội là Miloš Rancic (Wikimedia Serbia) và Bence Damokos (Wikimedia Hungary) đã đến thăm Zagreb để gặp gỡ các thành viên cộng đồng địa phương và thảo luận về tương lai của Wikimedia Croatia (một chi hội đã được Quỹ phê duyệt).
Australian Paralympic Committee và chi hội Wikimedia phát động "Wikimedians to the Games"
Australian Paralympic Committee (Ủy ban Thế vận hội dành cho người khuyết tật ở Úc) và Wikimedia Úc đã phát động "Wikimedians to the Games", một cuộc thi dành cho các thành viên bản địa cải thiện nội dung các bài viết liên quan đến lịch sử Phong trào Paralympic ở Úc. Hai người chiến thắng sẽ có cơ hội bay đến Luân Đôn để đóng góp thông tin về Paralympic Hè 2012 cho Wikinews, Commons và Wikipedia.
"Ngày Phạm vi Công cộng" tổ chức lần đầu tiên ở Pháp
Ngày 26 tháng 1, chi hội Wikimedia ở Pháp, cùng với Creative Commons Pháp, Communia và các đại diện Open Knowledge Foundation (OKF) đã tổ chức lễ kỷ niệm "Ngày Phạm vi Công cộng", kèm theo sự ra đời của một trang web. "Ngày Phạm vi Công cộng" là sự kiện đánh dấu thời điểm mãn hạn của các tác phẩm từng được bảo hộ bản quyền, giờ đây được phát hành ra phạm vi công cộng. Năm nay, sự kiện này lần đầu tiên được tổ chức ở Pháp.